
Trong thời kỳ hôn nhân, thông thường, khi tham gia vào giao dịch tài sản chung cần phải có sự đồng ý của hai vợ chồng. Vậy, có trường hợp nào vợ được bán nhà mà không cần sự đồng ý của chồng?
Khi nào vợ được quyền bán nhà không cần sự đồng ý của chồng?
- Trường hợp 1: Căn nhà là tài sản riêng của vợ
Đối với quyền định đoạt tài sản riêng, tài sản của ai thì người đó có quyền định đoạt, trừ trường hợp mà hoa lợi, lợi tức từ tài sản riêng đó là nguồn sống duy nhất của gia đình (việc định đoạt tài sản này phải có sự đồng ý của chồng, vợ).
Với các quy định trên, trường hợp căn nhà là tài sản riêng thì vợ có quyền định đoạt mà không cần phải có sự đồng ý của chồng.
- Trường hợp 2: Căn nhà là tài sản chung của vợ chồng
Lúc này, nếu Tòa án có quyết định tuyên bố người chồng mất năng lực hành vi dân sự, đồng thời quyết định vợ là người giám hộ đương nhiên theo quy định tại khoản 1 Điều 53 Bộ luật Dân sự 2015. Khi đó, vợ với tư cách là người giám hộ có quyền:
- Sử dụng tài sản của người được giám hộ để chăm sóc, chi dùng cho những nhu cầu thiết yếu của người được giám hộ;
- Đại diện cho người được giám hộ trong việc xác lập, thực hiện giao dịch dân sự và thực hiện các quyền khác theo quy định của pháp luật nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được giám hộ.
Như vậy, sau khi có quyết định nêu trên của tòa án, vợ được bán nhà là tài sản chung để lấy tiền chữa bệnh cho chồng hoặc chăm sóc cho chồng.