Thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định.
Ba hàng thừa kế theo quy định của pháp luật
Khi phân chia di sản thừa kế, có 03 hàng thừa kế theo quy định của pháp luật như sau:
- Hàng thừa kế thứ 1 gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
- Hàng thừa kế thứ 2 gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
- Hàng thừa kế thứ 3 gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Như vậy, có thể thấy những người thừa kế theo pháp luật sẽ được dựa trên mối quan hệ huyết thống hoặc mối quan hệ nuôi dưỡng, chăm sóc.
Thứ tự thừa kế
Thứ tự thừa kế được quy định tại Khoản 2 Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015, những người thuộc cùng một hàng thừa kế sẽ được hưởng những phần di sản bằng nhau. Những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất sẽ được ưu tiên hưởng di sản đầu tiên. Hàng thừa kế thứ hai chỉ được nhận di sản thừa kế khi hàng thừa kế thứ nhất không còn ai được hưởng di sản (do bị chết, bị truất quyền thừa kế hoặc không được quyền hưởng di sản thừa kế).
Tương tự, những người ở hàng thừa kế thứ ba chỉ được hưởng di sản thừa kế khi người ở hàng thừa kế thứ nhất và thứ hai không còn ai được phân chia di sản thừa kế (do bị chết, bị truất quyền thừa kế hoặc không được quyền hưởng di sản thừa kế).