Trẻ em là đối tượng phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất khi bố mẹ ly hôn, bởi lẽ môi trường sống cũng như những thói quen sinh hoạt của con trẻ có thể bị thay đổi kể cả sức khỏe tinh thần, do đó cần được bảo vệ quyền khi cha mẹ ly hôn.
1.Quyền của trẻ em trong quan hệ giữa cha mẹ và con
Mọi thỏa thuận của cha mẹ, con liên quan đến quan hệ nhân thân, quan hệ tài sản không được làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên. Con chưa thành niên phải được đảm bảo những điều kiện tốt nhất về cả thể chất và tinh thần để phát triển.
Con chưa thành niên có quyền được đón nhận tình yêu thương, sự tôn trọng từ chính gia đình của mình, có quyền bày tỏ ý kiến, nguyện vọng, được đảm bảo lợi ích hợp pháp về nhân thân và tài sản, được phát triển lành mạnh (Điều 70 Luật HN&GĐ năm 2014).
2. Trong vấn đề xác định cha, mẹ, con.
Điều 90 Luật HN&GĐ năm 2014 quy định: “Con có quyền nhận cha, mẹ của mình, kể cả trong trường hợp cha, mẹ đã chết”.
3. Trong vấn đề cấp dưỡng.
Điều 110 Luật HN&GĐ năm 2014 quy định: “Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con”.
Trong trường hợp không còn cha mẹ hoặc cha mẹ không có khả năng lao động và không có tài sản để lại cho con thì anh, chị đã thành niên không sống chung có nghĩa vụ cấp dưỡng cho em chưa thành niên; trường hợp cháu chưa thành niên mà không có người cấp dưỡng thì ông bà nội, ông bà ngoại, cô, dì, chú, cậu, bác ruột không sống chung với cháu có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cháu.
4. Được nhận làm con nuôi.
Luật HN&GĐ năm 2014 thừa nhận việc nhận con nuôi được quy định cụ thể trong Luật Nuôi con nuôi, đảm bảo cho trẻ có quyền được nhận sự chăm sóc trọn vẹn, giúp phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần, trí tuệ.