Lễ nạp tài là một nghi lễ truyền thống trong phong tục cưới hỏi của người Việt Nam. Tuy nhiên, có những hành vi làm biến chất những giá trị tốt đẹp đó. Có thể kể đến là việc nhà gái đòi tiền nạp tài quá cao.
1. Tiền nạp tài là gì?
Tiền nạp tài được xem là khoản tiền mà bên nhà trai đóng góp cho bên nhà gái để cùng lo các chi phí tổ chức cưới hỏi. Thông thường, nhà trai sẽ dựa trên hoàn cảnh của nhà gái, quy mô của lễ cưới hỏi cũng như sự tự nguyện của nhà trai để chuẩn bị tiền nạp tài. Tuy nhiên, cũng có trường hợp nhà gái sẽ đòi hỏi nhiều hơn, gây khó khăn cho bạn trai và nhà trai.
2. Đòi tiền nạp tài quá cao có vi phạm pháp luật?
Theo phụ lục các tập quán lạc hậu về HN&GĐ cấm áp dụng tại Nghị định 126/2014/NĐ-CP, hành vi thách cưới cao được hiểu là hành vi đòi hỏi yêu sách về của cải, mang tính chất gả bán, vượt quá khả năng của nhà trai.
Ngoài ra, Điều 3 Luật HN&GĐ cũng giải thích, yêu sách của cải trong kết hôn là việc đòi hỏi về vật chất một cách quá đáng và coi đó là điều kiện để kết hôn nhằm cản trở việc kết hôn tự nguyện.
Như vậy, pháp luật không quy định cụ thể đối với hành vi đòi tiền nạp tài quá cao nhưng theo những định nghĩa trên có thể thấy hành vi này cũng được xem là yêu sách của cải trong kết hôn.
Theo đó, Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định xử phạt bằng hình thức phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi này.
Ngoài ra, nếu đủ dấu hiệu cấu thành Tội cưỡng ép kết hôn, Tội cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ thì sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 181 BLHS.