Việc kết hôn giữa người theo đạo Công Giáo với người không cùng đạo có bị hạn chế bởi giáo lý Công hay không. Hãy cùng tìm hiểu quy định của giáo lý về vấn đề này.
Công Giáo có quy định “theo đạo rồi mới cưới” hay không?
Quy định của Giáo hội Công Giáo ghi nhận rằng: “Hôn nhân giữa một người đã được Rửa Tội trong Giáo Hội Công Giáo hoặc đã được nhận vào Giáo Hội ấy và không rời bỏ Giáo Hội ấy bằng một hành vi dứt khoát với một người không được Rửa Tội, thì bất thành.” Người Kitô hữu nào cố tình thực hiện cuộc hôn phối này sẽ phải chịu hình phạt của Giáo Hội.
Tuy nhiên, quy định của Giáo hội cũng có ngoại lệ, trong trường hợp bên kia vẫn nhất quyết không muốn gia nhập đạo Công Giáo, Giáo Hội vẫn chấp nhận cho họ kết hôn với nhau, với phép của Đức Giám Mục giáo phận. Tuy nhiên, Đức Giám Mục chỉ có thể ban phép này khi họ đáp ứng các điều kiện quy định ở Giáo Luật, điều 1125:
(1) Bên Công Giáo phải tuyên bố mình sẵn sàng tránh mọi nguy cơ mất đức tin và thành thật cam kết sẽ làm hết sức để tất cả con cái được Rửa Tội và được giáo dục trong Giáo Hội Công Giáo.
(2) Bên Công Giáo phải kịp thời thông báo cho bên không Công Giáo biết những điều bên Công Giáo phải cam kết để họ ý thức thật sự về lời cam kết và nghĩa vụ của bên Công Giáo.
(3) Cả hai bên phải được giáo huấn về những mục đích và đặc tính chính yếu của hôn nhân mà không bên nào được phép loại bỏ.
Như thế, khi muốn kết hôn người Công Giáo với người không cùng đạo, phải gặp cha xứ, để xin ngài giúp xin phép của Đức Giám Mục, cùng với một số thủ tục kèm theo tuỳ quy định của từng giáo phận. Những quy định của Giáo Hội chỉ vì lợi ích đức tin của con cái mình, chứ không hề có ý muốn bắt buộc ai phải theo đạo rồi mới cho cưới.
Bài viết hữu ích: Tư vấn pháp luật trước khi kết hôn