Sau khi ly hôn, mặc cho Tòa án cho phép vợ được quyền nuôi dưỡng cháu nhỏ nhưng chồng vẫn ủ mưu “bắt cóc” cháu đưa về quê nội. Vậy hành vi chồng/vợ cũ “bắt cóc” con sẽ bị xử phạt như thế nào?
Căn cứ Điều 153 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi năm 2017) quy định về Tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi, theo đó:
“Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác chiếm giữ hoặc giao cho người khác chiếm giữ người dưới 16 tuổi, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm”
Mức phạt cao nhất đối với tội danh này lên đến 15 năm tù. Đồng thời, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Như vậy, trong trường hợp sau khi ly hôn, cha hoặc mẹ không được trao quyền nuôi con có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc các thủ đoạn khác nhằm “bắt con” có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi. Thay vì thực hiện hành vi trái pháp luật như bắt cóc với lý do thương con, thì người không được trao quyền nuôi con có thể tìm bằng chứng về việc người trực tiếp nuôi dưỡng không làm tròn bổn phận nuôi con, và nhờ Tòa án giải quyết tranh chấp về quyền nuôi con sau khi ly hôn.