Pháp luật HN&GĐ đặt ra vấn đề trách nhiệm liên đới của vợ chồng đối với các giao dịch và nghĩa vụ trong thời kỳ hôn nhân. Khi một bên vay tiền, cụ thể là chồng vay tín dụng không trả nợ thì vợ có bị gì không?
Chồng vay ngân hàng là nợ chung hay nợ riêng?
Luật HN&GĐ không quy định cụ thể về nợ chung và nợ riêng. Tuy nhiên, xét các quy định về nghĩa vụ chung, nghĩa vụ riêng về tài sản của vợ chồng có thể phân biệt nợ chung và nợ riêng dựa trên mục đích của việc vay tiền:
- Nếu mục đích vay tiền là để đáp ứng những nhu cầu thiết yếu của gia đình thì khoản tiền đó được xem là nợ chung.
- Ngược lại, nếu số tiền vay đó được sử dụng vào mục đích cá nhân, không vì nhu cầu của gia đình thì xác định là nợ riêng.
Chồng không thể trả nợ, vợ có bị xử lý?
Theo phân tích ở trên, nếu xác định nợ chung thì cho dù chồng tự đi vay, vợ cũng phải liên đới chịu trách nhiệm (Điều 27 Luật HN&GĐ).
Trong trường hợp là nợ riêng của chồng thì chồng là người chịu trách nhiệm trả nợ, vợ không có nghĩa vụ gì. Tuy nhiên, vợ chồng có thể thỏa thuận để vợ cùng trả nợ với chồng bằng tài sản riêng của mình. Nếu vợ không đồng ý thì cũng không thể dùng tài sản của vợ để thanh toán. Khi các bên không thể đi đến thỏa thuận và chồng không trả nợ thì ngân hàng có thể khởi kiện ra Tòa án. Lúc này, người vợ không vi phạm pháp luật nên cũng không bị ảnh hưởng gì.
Như vậy, để xác định trách nhiệm của người vợ thì trước hết cần xét đến mục đích của số tiền vay ngân hàng.