
Cuộc sống hôn nhân đôi lúc không như mong muốn của chúng ta dẫn đến những mâu thuẫn giữa vợ chồng. Mâu thuẫn giữa vợ chồng đôi khi có thể dẫn đến hành vi bạo lực gia đình. Khi giữa bố và mẹ xảy ra hành vi bạo lực gia đình thì con cái có trách nhiệm hòa giải không?
Bạo lực gia đình là gì?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật phòng chống bạo lực gia đình năm 2022 giải thích về bạo lực gia đình như sau: Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, tình dục, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình.
Trách nhiệm của con cái khi hành vi bạo lực gia đình xảy ra
Theo khoản 2 Điều 11 Luật phòng chống bạo lực gia đình quy định một trong những trách nhiệm của thành viên gia đình trong phòng chống bạo lực gia đình là:
“2. Hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên gia đình; yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình chấm dứt ngay hành vi bạo lực gia đình; tham gia chăm sóc người bị bạo lực gia đình.”
Bên cạnh đó theo khoản 1 Điều 18 Luật phòng chống bạo lực gia đình năm 2022 quy định về chủ thể tiến hành hòa giải như sau:
“1. Thành viên gia đình, dòng họ có trách nhiệm hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp nhằm phòng ngừa hành vi bạo lực gia đình phát sinh hoặc tái diễn.
Trong trường hợp cần thiết có thể mời chức sắc tôn giáo, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng dân cư, người thân, người trong cơ quan, tổ chức của chủ thể có mâu thuẫn, tranh chấp và người được đào tạo hoặc có kinh nghiệm về công tác xã hội, tâm lý học, người có kinh nghiệm trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình tham gia hòa giải.”
Như vậy, khi có hành vi bạo lực gia đình xảy ra, con cái cũng là thành viên gia đình có trách nhiệm tiến hành hòa giải mỗi khi bố mẹ xảy ra mâu thuẫn nhằm phòng ngừa hành vi bạo lực gia đình xảy ra. Trường hợp con cái không thể thực hiện được việc này thì có thể nhờ những người lớn xung quanh giúp đỡ về vấn đề này.
Ngọc Tâm
Bài viết hữu ích: Tư vấn pháp luật trước khi kết hôn