Có trường hợp trước khi mất người chết đã viết giấy ủy quyền (hợp pháp) cho một người được toàn quyền quyết định về di sản thừa kế. Vậy có được dùng giấy ủy quyền thay thế cho di chúc để nhận di sản thừa kế không?
Thay thế di chúc bằng giấy ủy quyền để nhận di sản thừa kế
Căn cứ Điều 562 BLDS quy định về hợp đồng ủy quyền như sau:
“Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.”
Theo đó, hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên. Thời hạn ủy quyền do các bên thỏa thuận hoặc do pháp luật quy định; nếu không có thỏa thuận và pháp luật không có quy định thì hợp đồng ủy quyền có hiệu lực 01 năm, kể từ ngày xác lập việc ủy quyền (Điều 563 BLDS).
Ngoài ra tại khoản 3 Điều 140 BLDS quy định về thời hạn đại diện như sau:
3. Đại diện theo ủy quyền chấm dứt trong trường hợp sau đây:
đ) Người được đại diện, người đại diện là cá nhân chết; người được đại diện, người đại diện là pháp nhân chấm dứt tồn tại;
Như vậy kể từ thời điểm người ủy quyền chết thì giấy ủy quyền đã hết hiệu lực, người được ủy quyền sẽ không có quyền hạn nữa.
Ngoài ra, căn cứ theo Điều 624 BLDS quy định: “Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.”
Từ các quy định nêu trên thì cá nhân không thể dùng giấy ủy quyền thay thế cho di chúc để thực hiện quyền nhận thừa kế của mình được.