Trong nhiều trường hợp giao dịch tài sản chung của vợ chồng phải có chữ ký của cả 2. Khi một bên giả chữ ký của bên còn lại để giao dịch tài sản chung thì hậu quả sẽ như thế nào?
Giả chữ ký để bán tài sản chung
Căn cứ Điều 35 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận.
Thêm vào đó, theo Điều 13 Nghị định 126/2014/NĐ-CP:
“Trong trường hợp vợ hoặc chồng định đoạt tài sản chung vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 35 Luật Hôn nhân và gia đình thì bên kia có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu và giải quyết hậu quả pháp lý của giao dịch vô hiệu.”
Theo đó, trường hợp một bên giả chữ ký của bên còn lại để xác lập giao dịch tài sản chung thì giao dịch đó bị xem là vô hiệu. Bên còn lại có thể làm đơn yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu.
Giao dịch vô hiệu gây ra hậu quả gì?
Theo quy định tại Điều 131 BLDS về hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu:
- Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập.
- Các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả.
- Bên ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức không phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức đó.
- Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường.
- Việc giải quyết hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu liên quan đến quyền nhân thân do Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định.