Sau khi ly hôn, nhiều người lựa chọn “đi thêm bước nữa”. Vậy, sau khi kết hôn với người mới, vợ hoặc chồng có phải cấp dưỡng cho con riêng hay không? Nếu chồng/vợ mới ngăn cản, không cho vợ/chồng cấp dưỡng cho con riêng thì có vi phạm pháp luật không?
Nghĩa vụ cấp dưỡng của cha mẹ đối với con cái
Theo quy định tại Điều 82 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì nghĩa vụ cấp dưỡng cho con sau khi cha mẹ ly hôn là một nghĩa vụ pháp lý mà cha hoặc mẹ là người không trực tiếp nuôi con phải thực hiện, nếu con chưa thành niên, con đã thành niên mà không có khả năng lao động hoặc không có tài sản để tự nuôi mình.
Vợ hoặc chồng ngăn cản bên còn lại cấp dưỡng cho con riêng thì có vi phạm pháp luật hay không?
Căn cứ theo quy định tại Luật Hôn nhân và gia đình thì nghĩa vụ cấp dưỡng cho con sau khi ly hôn là nghĩa vụ pháp lý mang tính bắt buộc của các bậc cha mẹ. Do đó, dù cha, mẹ có kết hôn với người khác thì họ vẫn phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
Đồng thời, tại điểm g khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 thì hành vi ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa cha, mẹ, con cái là hành vi bạo lực gia đình. Và cũng theo khoản 2 Điều này thì hành vi trên được thực hiện giữa những người là cha, mẹ, con riêng với nhau cũng được xác định là hành vi bạo lực gia đình.
Như vậy, vợ hoặc chồng có hành vi ngăn cản, không cho chồng hoặc vợ thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con riêng là đang ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ giữa cha, mẹ với con cái theo điểm g khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Do đó, hành vi này được xem là bạo lực gia đình.
Bài viết hữu ích: Thủ tục đăng ký kết hôn tại Việt Nam