Trong hôn nhân, có những cặp vợ chồng mà người vợ, người chồng hoặc cả hai vợ chồng đều có con riêng của mình. Họ cùng sống chung trong một gia đình và lúc này vấn đề chăm sóc con cái được đặt ra. Có phải con ai thì người đó chăm sóc hay giữa vợ chồng có nghĩa vụ ngang nhau trong việc chăm sóc con riêng của đối phương?
Nghĩa vụ của cha dượng, mẹ kế đối với con riêng của vợ hoặc chồng
Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 79 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì: “Cha dượng, mẹ kế có quyền và nghĩa vụ trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con riêng của bên kia cùng sống chung với mình…”.
Ta thấy trong trường hợp cha dượng, mẹ kế sống chung với con riêng của vợ hoặc chồng thì, chăm sóc con riêng của vợ hoặc chồng không chỉ là quyền mà còn là nghĩa vụ của người vợ và người chồng. Không phân biệt con chung của hai vợ chồng, con riêng của đối phương và con riêng của mình, vợ chồng đều phải có nghĩa vụ quan tâm, chăm sóc đến các con.
Vợ chồng bình đẳng với nhau về mọi mặt trong gia đình
Theo Điều 17 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Vợ, chồng bình đẳng với nhau, có quyền, nghĩa vụ ngang nhau về mọi mặt trong gia đình…”.
Theo đó, vấn đề về chăm sóc con cái nói chung và vấn đề chăm sóc con riêng của vợ hoặc chồng nói riêng là quyền, nghĩa vụ của vợ chồng và pháp luật quy định vợ chồng bình đẳng với nhau trong quyền này. Nghĩa là trách nhiệm chăm sóc con cái thuộc về cả hai người, không ai được phép thờ ơ, không quan tâm, không chăm sóc con cái hoặc bỏ mặc người kia chăm sóc con cái một mình.
Như vậy, vợ chồng có nghĩa vụ chăm sóc con riêng của người còn lại và có nghĩa vụ ngang nhau trong việc chăm sóc con riêng của đối phương.
Bài viết hữu ích: Tư vấn pháp luật trước khi kết hôn