Hôn nhân được xây dựng dựa trên cơ sở tình yêu chân chính giữa nam và nữ. Yếu tố tự nguyện trong hôn nhân là một trong các nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân gia đình. Vậy, thế nào là hôn nhân tự nguyện?
Hiểu như thế nào về hôn nhân tự nguyện?
Tại Việt Nam, “hôn nhân” được định nghĩa là “quan hệ giữa vợ và chồng sau khi kết hôn” nhằm chung sống với nhau và xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc bền vững.
Yếu tố tự nguyện trong hôn nhân là một trong các nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân gia đình. “Tự nguyện” là “tự mình muốn làm, không phải bị thúc ép bắt buộc”. Hôn nhân tự nguyện là việc đôi nam nữ tự bản thân mình quyết định việc xác lập quan hệ vợ chồng mà không chịu bất cứ sự cưỡng ép, cản trở, ngăn cấm nào. Trong thời gian chung sống, vợ chồng tôn trọng, yêu thương nhau, cả hai đều có quyền thể hiện ý chí, bày tỏ mong muốn, nguyện vọng của mình với đối phương và với những vấn đề chung của gia đình. Đồng thời, họ cũng được pháp luật bảo vệ thông qua việc nghiêm cấm mọi hành vi ép buộc hay cản trở chấm dứt quan hệ hôn nhân của vợ chồng.
Từ đó có thể hiểu, “hôn nhân tự nguyện, tiến bộ” là việc xác lập, duy trì, phát triển, chấm dứt quan hệ vợ chồng phù hợp với ý chí, tình cảm thật sự của hai bên nam, nữ đối với nhau, do hai bên tự mình quyết định mà không bị cưỡng ép, lừa dối, cản trở trên cơ sở thực hiện các qui định của pháp luật về kết hôn, nhằm chung sống với nhau để xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc bền vững.
Bài viết hữu ích: Tư vấn pháp luật trước khi kết hôn