Tài sản trong thời kỳ hôn nhân là vấn đề được các cặp vợ chồng quan tâm nhất. Bài viết này sẽ giải đáp thắc mắc vì sao khi một bên giao dịch tài sản chung thì bị vô hiệu?
Lý do giao dịch do một bên xác lập đối với tài sản chung bị vô hiệu
Tại Điều 35 Luật HN&GĐ quy định về việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của vợ chồng như sau:
“Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận.”
Ngoài ra, tại Điều 13 Nghị định số 126/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật HN&GĐ quy định về việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của vợ chồng như sau:
- Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận. Trong trường hợp vợ hoặc chồng xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản chung để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình thì được coi là có sự đồng ý của bên kia, trừ trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 35 của Luật HN&GĐ.
- Trong trường hợp vợ hoặc chồng định đoạt tài sản chung vi phạm quy định tại Khoản 2 Điều 35 của Luật HN&GĐ thì bên kia có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu và giải quyết hậu quả pháp lý của giao dịch vô hiệu.
Căn cứ quy định nêu trên thì việc giao dịch tài sản chung của vợ chồng cần có sự đồng ý của cả 2 vợ chồng. Vì vậy, tài sản chung của vợ chồng mà một bên tự xác lập giao dịch thì sẽ bị vô hiệu.