Ly hôn trước giờ luôn được xem là một chủ đề nhạy cảm trong hôn nhân, hầu hết chúng ta đều đang cố gắng để hạn chế tình trạng này xảy ra. Tuy nhiên, hiện nay có rất nhiều người lợi dụng việc ly hôn để đạt được mục đích cá nhân. Vậy pháp luật xử lý ly hôn giả tạo như thế nào?
Ly hôn giả tạo là gì?
Căn cứ theo khoản 14 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014:
“14. Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án.”
Qua quy định nêu trên có thể thấy rằng mục đích của việc ly hôn là chấm dứt quan hệ hôn nhân. Vậy nên, nếu mục đích ly hôn không phải do muốn chấm dứt quan hệ hôn nhân mà nhằm để trốn tránh một số nghĩa vụ nào đó hoặc nhằm mục đích khác thì được xem là ly hôn giả tạo.
Ly hôn giả tạo có vi phạm pháp luật không ?
Căn cứ vào điểm a khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về các hành vi bị cấm như sau:
“2. Cấm các hành vi sau đây:
- a) Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo;…”
Như vậy, dựa theo quy định trên cho thấy rằng ly hôn giả tạo là hành vi bị pháp luật cấm, xâm phạm tới chế độ hôn nhân gia đình ở Việt Nam hiện nay.
Pháp luật xử lý ly hôn giả tạo ra sao ?
Nếu Tòa án xem xét thấy rằng việc ly hôn là giả tạo nhằm thực hiện mục đích khác và chưa có căn cứ ly hôn thì sẽ không chấp nhận yêu cầu ly hôn đó.
Ngoài ra, căn cứ theo quy định của pháp luật hiện hành, hành vi kết hôn giả tạo là hành vi trái pháp luật và sẽ bị xử phạt hành chính theo điểm đ khoản 2 Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP như sau:
“2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
…
đ) Lợi dụng việc ly hôn để trốn tránh nghĩa vụ tài sản, vi phạm chính sách, pháp luật về dân số hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích chấm dứt hôn nhân”.
Dựa theo quy định ở trên, có thể thấy rằng việc ly hôn giả tạo khi bị phát hiện sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Bài viết hữu ích: Dịch vụ tư vấn ly hôn