Hủy việc kết hôn trái pháp luật là việc Tòa án tuyên bố việc kết hôn là trái pháp luật và quyết định những người kết hôn phải chấm dứt quan hệ hôn nhân. Vậy hậu quả pháp lý của việc hủy kết hôn trái pháp luật là gì?
1. Về quan hệ nhân thân
Bên cạnh ly hôn, thì hủy kết hôn trái pháp luật cũng dẫn đến chấm dứt quan hệ hôn nhân. Bởi vì, khi hôn nhân bị coi là trái pháp luật, thì Nhà nước không thừa nhận hai người trong quan hệ hôn nhân đó là vợ chồng. Kể từ ngày quyết định hủy kết hôn trái pháp luật của Tòa án có hiệu lực pháp luật, thì hai bên nam, nữ phải chấm dứt quan hệ như vợ chồng.
2. Về quan hệ giữa cha, mẹ và con
Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em, pháp luật hôn nhân và gia đình nước ta quy định quan hệ giữa cha, mẹ và con không phụ thuộc vào cuộc hôn nhân của cha mẹ có hợp pháp hay không, còn tồn tại hay chấm dứt. Vì vậy, mặc dù hai người nam, nữ kết hôn trái pháp luật không được công nhận là vợ chồng, nhưng vẫn là cha và mẹ của con chung, khi quan hệ hôn nhân đó bị hủy, thì “quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ, con được giải quyết theo quy định về quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ, con khi ly hôn” (khoản 2 Điều 12 Luật HN&GĐ 2014).
3. Về tài sản
Theo khoản 1 Điều 16 Luật HN&GĐ 2014, thì tài sản được giải quyết theo nguyên tắc thỏa thuận của các bên; nếu không có thỏa thuận thì giải quyết theo quy định của Bộ luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Bài viết hữu ích: Thủ tục đăng ký kết hôn tại Việt Nam