Xóa tên cha trong giấy khai sinh là việc bỏ tên cha ra khỏi giấy khai sinh của người con. Đây được xem là một trong các trường hợp thay đổi hộ tịch của một người.
Cụ thể, khoản 10 Điều 4 Luật Hộ tịch năm 2014 định nghĩa như sau: “Thay đổi hộ tịch là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký thay đổi những thông tin hộ tịch của cá nhân khi có lý do chính đáng theo quy định của pháp luật dân sự hoặc thay đổi thông tin về cha, mẹ trong nội dung khai sinh đã đăng ký theo quy định của pháp luật.”
- Trong đó, về trường hợp thay đổi thông tin cha, mẹ trong nội dung khai sinh, khoản 2 Điều 26 Luật Hộ tịch quy định chỉ được thay đổi thông tin về người cha khi người con được nhận làm con nuôi của người khác và cha mẹ nuôi đổi tên cha trong giấy khai sinh.
- Về lý do chính đáng khác, khoản 2 Điều 88 Luật Hôn nhân và Gia đình quy định: “Trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được Tòa án xác định.”. Như vậy, chỉ khi được Tòa án công nhận bằng bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật về việc không xác định quan hệ cha, con thì có thể thực hiện việc xóa tên cha trong giấy khai sinh. Người yêu cầu cần phải cung cấp được chứng cứ: giấy xét nghiệm ADN,…
Do đó, chỉ có hai trường hợp được xóa tên cha trong giấy khai sinh:
1. Trường hợp con được nhận làm con nuôi và cha mẹ nuôi muốn thay đổi thông tin về cha đẻ trong giấy khai sinh
2. Được công nhận không phải là cha con trong bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án có thẩm quyền.