Tiền lương của vợ hoặc chồng từ công việc sẽ được tính là thu nhập do lao động của vợ chồng và sẽ được coi là tài sản chung của vợ chồng theo Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 và Điều 9 Nghị định 126/2014/NĐ-CP.
Tuy nhiên, tiền lương của vợ chồng có thể được coi là tài sản riêng trong 2 trường hợp sau:
a. Thỏa thuận của vợ chồng
Vợ chồng có quyền chọn chế độ tài sản theo luật hoặc theo thỏa thuận (Điều 28 Luật Hôn nhân và Gia đình). Nếu như trước khi kết hôn, vợ chồng đã lập văn bản thỏa thuận với nhau về việc xác định tiền lương là tài sản riêng thì tiền lương trong trường hợp này là tài sản riêng của mỗi người.
b. Khi phân chia tài sản chung vợ chồng
Khi phân chia tài sản chung vợ chồng, hai người có thể xác định tiền lương là tài sản riêng của mỗi người. Lúc này, việc phân chia sẽ được lập thành văn bản và có thể được công chứng (nếu vợ, chồng có yêu cầu).
Ngoài ra, việc phân chia tiền lương là tài sản riêng còn phải đáp ứng các điều kiện:
- Không làm thay đổi quyền, nghĩa vụ về tài sản xác lập trước đó giữa vợ, chồng với người thứ ba;
- Không được ảnh hưởng đến lợi ích gia đình; quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên nhưng mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình;
- Không nhằm trốn tránh thực hiện nghĩa vụ: Nuôi dưỡng, cấp dưỡng, bồi thường thiệt hại…