
Nuôi con nuôi là việc xác lập quan hệ cha, mẹ, con giữa người nhận con nuôi và người được nhận làm con nuôi. Khi giải quyết việc nuôi con nuôi, phải đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người được nhận làm con nuôi.
Trong đó, tại Điều 8 Luật Nuôi con nuôi có quy định, để được nhận làm con nuôi thì phải là trẻ em dưới 16 tuổi.
Nếu là người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi thì bắt buộc phải thuộc một trong hai trường hợp:
- Được cha dượng, mẹ kế nhận làm con nuôi;
- Được cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận làm con nuôi.
Ngoài việc được nhận làm con nuôi của cha dượng, mẹ kế, cô, cậu, dì, chú, bác ruột thì chỉ trẻ dưới 16 tuổi mới được nhận làm con nuôi. Và cũng chỉ được làm con nuôi của một người độc thân hoặc của một cặp vợ chồng mà không thể đồng thời được làm con nuôi của nhiều người.
Vì việc nhận con nuôi nhằm bảo đảm quyền, lợi ích tốt nhất cho người con nuôi nhưng để có đủ điều kiện nhận con nuôi, cha mẹ nuôi phải đáp ứng điều kiện cụ thể tại Điều 14 Luật này:
- Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
- Hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên;
- Có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi được tốt nhất;
- Có tư cách đạo đức tốt.
Như vậy, để được nhận con nuôi thì người có nhu cầu nhận nuôi phải đáp ứng đủ các điều kiện nêu trên. Do đó, việc quy định một người không được làm con nuôi của nhiều người là hoàn toàn phù hợp.