Vợ chồng có thể ủy quyền cho bên còn lại đại diện mình trong các giao dịch dân sự. Vậy, khi nào thì chấm dứt đại diện theo ủy quyền này?
Khi nào đại diện theo ủy quyền giữa vợ chồng chấm dứt
Căn cứ xác lập quyền đại diện giữa vợ chồng và quy định chấm dứt đại diện trong BLDS, có thể suy ra các trường hợp chấm dứt đại diện giữa vợ và chồng gồm :
- Theo thỏa thuận của hai bên vợ chồng về việc chấm dứt quyền đại diện;
Ví dụ: Anh A và chị B là vợ chồng, thỏa thuận đưa tài sản chung là 1 tỷ vào để thành lập công ty và để anh A đại diện tham gia hoạt động kinh doanh trong công ty. Nhưng nay do anh A thương xuyên ốm đau không đảm bảo thực hiện tốt công việc quản lý kinh doanh trong công ty nên hai bên đã thỏa thuận thuê anh C là người có chuyên môn cao trong quản lý kinh doanh đại diện để quản lý kinh doanh trong công ty. Lúc này quyền đại diện giữa anh A và chị B trong quan hệ kinh doanh chấm dứt do thỏa thuận của hai bên)
- Khi thời hạn ủy quyền trong văn bản ủy quyền mà vợ chồng đã xác lập đã hết;
- Khi công việc được ủy quyền theo thỏa thuận đại diện giữa vợ chồng đã được hoàn thành;
Ví dụ: anh A và chị B trong ví dụ trên có chung quyền sở hữu căn hộ chung cư muốn bán lại cho anh D. Anh A do ốm đau không thể cùng với chị B đi làm thủ tục chuyển nhượng, sang tên căn hộ chung cư này cho anh D nên đã ủy quyền lại cho chị B đi thực hiện thủ tục này. Khi chị B hoàn tất việc chuyển nhượng, sang tên căn hộ trên cho anh D thì quyền đại diện giữa vợ và chồng theo ủy quyền trên sẽ chấm dứt do công việc ủy quyền đã được thực hiện xong.
- Khi một trong hai bên vợ hoặc chồng hoặc cả hai bên chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết;
- Khi hai bên chấm dứt quan hệ hôn nhân;
Bài viết hữu ích: Tư vấn pháp luật trước khi kết hôn