Những phong tục, tập quán hình thành lâu đời để lại cho con cháu đời sau những giá trị truyền thống tốt đẹp. Tuy nhiên, có những tập quán lạc hậu, không còn phù hợp và bị cấm áp dụng.
Tập quán là gì?
Nhắc đến tập quán là nhắc tới những quy tắc xử sự được hình thành và lặp đi lặp lại nhiều lần trong một thời gian dài, được thừa nhận và áp dụng rộng rãi trong một vùng, miền, dân tộc, cộng đồng dân cư hoặc trong một lĩnh vực dân sự.
Cũng chính vì lẽ đó mà có những tập quán đã có từ rất lâu đời, đã lạc hậu và tùy theo thời gian mà cần được xóa bỏ, cấm áp dụng.
Không được áp dụng các tập quán lạc hậu nào?
Ngày 31/12/2014, Chính phủ ban hành Danh mục các tập quán lạc hậu về HN&GĐ kèm theo Nghị định 126/2014/NĐ-CP, trong đó các tập quán sau bị cấm áp dụng:
- Chế độ hôn nhân đa thê (vi phạm nguyên tắc hôn nhân một vợ một chồng được pháp luật ghi nhận);
- Kết hôn giữa những người có cùng dòng máu về trực hệ, giữa những người khác có họ trong phạm vi ba đời (hôn nhân cận huyết);
- Tục cướp vợ để cưỡng ép người phụ nữ làm vợ;
- Thách cưới cao mang tính chất gả bán (như đòi bạc trắng, tiền mặt, của hồi môn, trâu, bò, chiêng ché… để dẫn cưới);
- Phong tục “nối dây”: Khi người chồng chết, người vợ góa bị ép buộc kết hôn với anh trai hoặc em trai của người chồng quá cố; khi người vợ chết, người chồng góa bị ép buộc kết hôn với chị gái hoặc em gái của người vợ quá cố (bị xem là hành vi cưỡng ép kết hôn);
- Bắt buộc người phụ nữ góa chồng hoặc người đàn ông góa vợ, nếu kết hôn với người khác thì phải trả lại tiền cưới cho nhà chồng cũ hoặc nhà vợ cũ;
- Đòi lại của cải, phạt vạ khi vợ, chồng ly hôn.
Bài viết hữu ích: Thủ tục đăng ký kết hôn tại Việt Nam