Trong nhiều trường hợp, vì nhiều nguyên nhân khác nhau mà vợ/chồng phải ủy quyền cho nhau thực hiện giao dịch. Hãy cùng tìm hiểu về chủ thể và hình thức đại diện theo ủy quyền giữa vợ và chồng.
Chủ thể trong quan hệ đại diện theo ủy quyền giữa vợ và chồng
Mối quan hệ giữa các chủ thể trong quan hệ đại diện theo ủy quyền giữa vợ và chồng là mối quan hệ hôn nhân. Đây là một quan hệ đặc biệt trong xã hội và việc vợ chồng đại diện cho nhau trong giao dịch dân sự luôn được pháp luật ủng hộ và công nhận.
Vợ, chồng với tư cách là chủ thể của quan hệ đại diện theo ủy quyền đều phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Quy định này đảm bảo việc vợ, chồng có thể thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ quan hệ đại diện và chịu trách nhiệm pháp lý về những hành vi đại diện đó.
Hình thức ủy quyền giữa vợ và chồng
Luật HN&GĐ 2014 không quy định việc ủy quyền giữa vợ và chồng nhất thiết phải được lập thành văn bản, trừ một số trường hợp như: vợ chồng thỏa thuận đưa tài sản chung vào kinh doanh; định đoạt tài sản chung là bất động sản mà theo quy định pháp luật thì phải đăng kí quyền sở hữu đối với bất động sản đó như: quyền sử dụng đất.
Về hình thức việc ủy quyền bằng văn bản thì có hai hình thức là giấy ủy quyền và hợp đồng ủy quyền.
– Giấy ủy quyền: văn bản xác nhận ý chí của bên ủy quyền và giấy ủy quyền phải được công chứng, chứng thực của cơ quan có thẩm quyền thì mới có giá trị pháp lý.
– Hợp đồng ủy quyền: được quy định tại Điều 562 BLDS 2015. Ưu điểm nổi bật của hình thức này là cơ sở pháp lý vững chắc, nội dung thỏa thuận của các bên được quy định rõ ràng tại các điều khoản trong hợp đồng. Đây là những cơ sở pháp lý để xem xét trách nhiệm của các bên xác lập hợp đồng ủy quyền.
Bài viết hữu ích: Tư vấn pháp luật trước khi kết hôn