Hiện nay, trên bản tin thời sự thường cập nhật tin tức về việc trẻ em bị chính cha mẹ bỏ rơi ở các cô nhi viện, các chùa thậm chí là trên các dọc đường. Vậy, hành vi bỏ rơi con của các bậc cha mẹ sẽ bị xử lý như thế nào?
Bỏ rơi trẻ em được hiểu như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại khoản 9 Điều 4 Luật Trẻ em năm 2016 thì hành vi bỏ rơi trẻ em được hiểu như sau:
Bỏ rơi trẻ em là hành vi của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em.
Đồng thời, tại khoản 2 Điều 6 Luật này thì hành vi bỏ rơi trẻ em là một hành vi bị nghiêm cấm.
Hình thức xử phạt đối với hành vi bỏ rơi con theo quy định của pháp luật
Xử phạt vi phạm hành chính
Căn cứ theo khoản 2 Điều 21 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP thì trường hợp cha, mẹ, người chăm sóc có hành vi cố ý bỏ rơi trẻ em có thể phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng.
Xử lý về hình sự
Căn cứ theo quy định tại Điều 124 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 thì nếu người mẹ có hành vi bỏ rơi con mới đẻ và thỏa mãn các điều kiện luật định thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vứt bỏ con mới đẻ. Cụ thể như sau:
Do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà người mẹ vứt bỏ con do mình đẻ ra trong 07 ngày tuổi dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Ngoài ra, trong trường hợp hành vi vứt bỏ con mới đẻ dẫn đến hậu quả chết người và không thỏa mãn các điều kiện tại khoản 2 Điều 124 thì hành vi này vẫn có thể cấu thành tội giết người theo Điều 123 Bộ luật Hình sự.
Như vậy, tùy vào mức độ mà hành vi bỏ rơi con có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Bài viết hữu ích: Dịch vụ tư vấn pháp luật trước khi kết hôn