Hiện nay, có trường hợp vợ tự ý thế chấp sổ tiết kiệm để vay ngân hàng mà không hỏi ý kiến chồng. Lúc này người chồng có được đòi lại số tiền trên không?
Vợ tự ý thế chấp sổ tiết kiệm để vay vốn làm ăn thì chồng có được đòi lại một phần số tiền đó không?
Điều 32 Luật HN&GĐ quy định là trong giao dịch với người thứ ba ngay tình thì vợ, chồng là người đứng tên tài khoản ngân hàng được coi là người có quyền xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản đó.
Điều 8 Nghị định 126/2014/NĐ-CP quy định:
Người thứ ba xác lập, thực hiện giao dịch với vợ, chồng liên quan đến tài khoản ngân hàng bị coi là không ngay tình trong trường hợp:
- Đã được vợ, chồng cung cấp thông tin theo quy định tại Điều 16 của Nghị định này mà vẫn xác lập, thực hiện giao dịch trái với những thông tin đó;
- Vợ chồng đã công khai thỏa thuận theo quy định của pháp luật có liên quan về việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản và người thứ ba biết hoặc phải biết nhưng vẫn xác lập, thực hiện giao dịch trái với thỏa thuận của vợ chồng.
Dẫn chiếu đến Điều 16 Nghị định này thì khi xác lập, thực hiện giao dịch vợ, chồng có nghĩa vụ cung cấp cho người thứ ba biết về những thông tin liên quan; nếu vợ, chồng vi phạm thì người thứ ba được coi là ngay tình và được bảo vệ quyền lợi.
Như vậy, nếu giao dịch với ngân hàng ngay tình mà vợ là người đứng tên tài khoản ngân hàng thì vợ được coi là người có quyền xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản đó. Nghĩa là chồng không thể kiện ngân hàng để lấy lại một phần số tiền đó.