Hiện nay, pháp luật đã cho phép tiền lương của chồng có thể chuyển thẳng vào tài khoản của vợ. Vậy, có phải lúc nào cũng chuyển thẳng vào tài khoản vợ hay không?
Không phải lúc nào lương chồng cũng chuyển thẳng cho vợ
Khoản 1 Điều 94 của Bộ luật Lao động 2019 quy định về nguyên tắc trả lương như sau:
“1. Người sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động. Trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp thì người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được người lao động ủy quyền hợp pháp.”
Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 96 cũng quy định hình thức trả lương:
“2. Lương được trả bằng tiền mặt hoặc trả qua tài khoản cá nhân của người lao động được mở tại ngân hàng…”
Việc ủy quyền nhận lương là một quy định hoàn toàn mới mà trước đây Bộ luật Lao động 2012 chưa quy định. Quy định mới này dẫn đến cách hiểu: “ Lương của chồng có thể được chuyển thẳng vào tài khoản của vợ” khiến dư luận xôn xao.
Thế nhưng, xét theo quy định của Điều 94, để lương của chồng chuyển thẳng vào tài khoản của vợ thì phải đáp ứng các điều kiện:
- Chồng (người lao động) không thể nhận lương trực tiếp;
- Vợ là người được chồng ủy quyền hợp pháp;
- Chồng đăng ký số tài khoản của vợ để nhận lương.
Như vậy, không phải lúc nào lương của người chồng cũng tự động được chuyển thẳng vào tài khoản của vợ. Mà chỉ khi chồng bị ốm đau, tai nạn… hoặc lý do khác mà không thể nhận lương trực tiếp; đồng thời, vợ phải được chồng ủy quyền cho việc nhận lương thì người sử dụng lao động có thể chuyển lương của người chồng vào tài khoản vợ.
Việc ủy quyền này có thể phải được thông báo bằng văn bản hoặc email cho người sử dụng lao động.
Bài viết hữu ích: Thủ tục đăng ký kết hôn tại Việt Nam