Mặc dù ly hôn là quyền lợi của mỗi người, nhưng bên cạnh đó đối với phụ nữ pháp luật về hôn nhân gia đình cũng đưa ra những quyền lợi nhất định để đảm bảo khi ly hôn.
Chồng không được yêu cầu ly hôn khi vợ đang mang thai
Theo quy định tại Điều 51 Luật HN&GĐ những người sau đây có quyền yêu cầu giải quyết ly hôn:
- Vợ và chồng (trong trường hợp thuận tình ly hôn);
- Vợ hoặc chồng (trong trường hợp ly hôn đơn phương);
- Cha, mẹ, người thân thích khác
Và khoản 3 Điều 51 quy định chồng không được quyền yêu cầu ly hôn khi vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Quy định này nhằm bảo vệ quyền lợi của phụ nữ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Khi ly hôn, vợ ở nhà nội trợ vẫn là lao động có thu nhập
Theo quy định tại khoản 2 Điều 59 Luật HN&GĐ, tài sản chung của vợ chồng sẽ được chia đôi nhưng có căn cứ vào hoàn cảnh của gia đình, vợ, chồng, công sức đóng góp…
Và theo khoản 1 Điều 29 Luật HN&GĐ không phân biệt giữa lao động trong gia đình và lao động có thu nhập. Do đó, khi ly hôn, chia tài sản, công sức đóng góp của vợ làm việc nội trợ cũng bằng với công sức đóng góp khi chồng đi làm việc ở bên ngoài.
Vợ được trực tiếp nuôi con dưới 36 tháng tuổi
Theo Điều 81 Luật HN&GĐ, vợ chồng có thể thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con. Trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi dưỡng.
Nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
Đối với con dưới 36 tháng tuổi thì sẽ được giao cho mẹ trực tiếp nuôi dưỡng.
Trong trường hợp mẹ không đủ điều kiện để nuôi dưỡng con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác thì con có thể được giao cho người cha nuôi dưỡng.