Hiện nay, nhiều phụ huynh cho rằng, việc lén xem nhật ký của con là điều đương nhiên; nhằm kiểm tra, tìm hiểu tâm tư, xem con có vấn đề gì không. Tuy nhiên, dưới góc độ pháp lý, liệu đây có phải hành vi xâm phạm quyền riêng tư của trẻ hay không?
Quy định về quyền bí mật đời sống riêng tư của trẻ em
Theo Điều 21 Luật trẻ em 2016 quy định như sau:
“1. Trẻ em có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.
2. Trẻ em được pháp luật bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín, bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác; được bảo vệ và chống lại sự can thiệp trái pháp luật đối với thông tin riêng tư”.
Ngoài ra, Điều 21 Hiến pháp 2013 quy định:
“1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình.
Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn.
2. Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác”.
Theo quy định trên; pháp luật bảo bảo vệ và tôn trọng quyền riêng tư của trẻ. Cụ thể, quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư; bí mật cá nhân; bí mật về tin nhắn, thư tín, điện thoại, điện tín;… Mà nhật ký là nơi lưu giữ các thông tin về cuộc sống thường ngày của trẻ; Do đó, việc cha mẹ tự ý đọc nhật kí là đã xâm phạm quyền riêng tư của trẻ.