Có một số mối quan hệ bị gia đình và xã hội ngăn cản đến với nhau vì những quan niệm về đạo đức xã hội. Tuy nhiên, pháp luật quy định như thế nào về việc con riêng của chồng lấy con riêng của vợ?
1. Con riêng là gì?
Con riêng là con của một bên vợ hoặc chồng với người khác. Có 03 trường hợp được xác định là con riêng như sau:
- Con do người vợ hoặc người chồng có trước khi kết hôn (có trong quan hệ hôn nhân trước hoặc vợ, chồng chưa kết hôn nhưng đã có con ngoài hôn nhân);
- Con riêng của người vợ nếu do người vợ sinh ra trong thời kỳ hôn nhân nhưng Tòa án đã xác định người chồng không phải là cha của người con đó (con do người vợ có thai với người khác trong thời kỳ hôn nhân);
- Con riêng của người chồng trong trường hợp Tòa án xác định người chồng là cha của người con do người phụ nữ khác sinh ra.
2. Con riêng của hai vợ chồng có được kết hôn với nhau?
Theo điểm d khoản 2 Điều 5 Luật HN&GĐ 2014 có quy định cấm các hành vi như sau:
- “d) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;”
Như vậy, việc kết hôn giữa một bên là con riêng của vợ và một bên là con riêng của chồng không bị pháp luật cấm. Do đó, hai bên có thể kết hôn được với nhau khi thỏa mãn các quy định tại Điều 8 Luật HN&GĐ 2014 về điều kiện kết hôn.
Bài viết hữu ích: Thủ tục đăng ký kết hôn tại Việt Nam