
Vấn đề tài chính trong gia đình trong thời kỳ hôn nhân là một trong những vấn đề rất quan trọng. Các cặp vợ chồng phải biết cách quản lý tài chính để đảm bảo nhu cầu thiết của gia đình. Vậy ai là người quản lý tài chính trong gia đình?
Thế nào là nhu cầu thiết yếu của gia đình?
Theo khoản 20 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, nhu cầu thiết yếu của gia đình được hiểu như sau:
Nhu cầu thiết yếu là nhu cầu sinh hoạt bình thường về ăn uống, ăn mặc, chỗ ở, học tập, thăm khám, chữa bệnh và nhu cầu sinh hoạt thông thường khác mà mỗi cá nhân, mỗi gia đình đều cần đến trong cuộc sống của mình.
Đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình là việc vợ chồng có đủ tài chính để chi tiêu có các khoản cần thiết, không thể thiếu trong gia đình như ăn uống, ăn mặc, chỗ ở, học tập, khám bệnh, chữa bệnh,…
Pháp luật có quy định vợ hoặc chồng là người quản lý tài chính trong gia đình hay không?
Trước tiên, pháp luật về hôn nhân và gia đình không có quy định về ai là người quản lý tài chính trong gia đình. Việc quản lý tài chính không bắt buộc phải do người vợ hay người chồng thực hiện. Điều này đồng nghĩa với việc vợ chồng sẽ thỏa thuận với nhau về vấn đề quản lý tài chính.
Việc vợ hay chồng quản lý tài chính, hay cả hai vợ chồng cùng quản lý cần có sự thỏa thuận giữa hai vợ chồng, không ai được áp đặt ý kiến của mình lên người còn lại, bảo đảm quyền bình đẳng về nghĩa vụ giữa vợ và chồng, phù hợp với quy định tại Điều 17 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014:
“Vợ, chồng bình đẳng với nhau, có quyền, nghĩa vụ ngang nhau về mọi mặt trong gia đình, trong việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của công dân được quy định trong Hiến pháp, Luật này và các luật khác có liên quan.”
Như vậy, việc quyết định người quản lý tài chính trong gia đình sẽ do vợ chồng quyết định phù hợp với hoàn cảnh và nhu cầu của gia đình.
Bài viết hữu ích: Thủ tục đăng ký kết hôn tại Việt Nam