
Dọc theo những con đường hay những trụ đèn xanh, đèn đỏ, chúng ta vẫn thường bắt gặp hình ảnh những đứa trẻ bán vé số. Vì cuộc sống gia đình quá khó khăn nên thay vì được đi học như những đứa trẻ khác mà cha mẹ bắt con cái phải ra đường kiếm sống. Vậy việc cha mẹ bắt con cái đi bán vé số có vi phạm pháp luật không?
Cha mẹ bắt con ra đường kiếm sống có phải bóc lột sức lao động của con không?
Trẻ em là đối tượng đặc biệt luôn được nhà nước, gia đình và xã hội quan tâm bảo vệ, chăm sóc và giáo dục. Theo Điều 26 Luật trẻ em năm 2016 quy định về quyền được bảo vệ để không bị bóc lột sức lao động của trẻ em như sau:
“Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị bóc lột sức lao động; không phải lao động trước tuổi, quá thời gian hoặc làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của pháp luật; không bị bố trí công việc hoặc nơi làm việc có ảnh hưởng xấu đến nhân cách và sự phát triển toàn diện của trẻ em.”
Trẻ em thích được làm những việc mà trẻ em mong muốn thì cha mẹ cũng không thể nào cấm con được. Tuy nhiên cha mẹ lại không có quyền bắt buộc phải lao động khi còn quá nhỏ hay làm những công việc có thể nguy hiểm đến con hay gây ảnh hưởng xấu đến quá trình hình thành và phát triển toàn diện của trẻ. Vậy việc con muốn được trải nghiệm cuộc sống bằng cách ra đời kiếm sống thì cha mẹ không có quyền cấm con tuy nhiên cha mẹ phải định hướng con làm những gì tốt nhất cho con. Còn việc cha mẹ bắt con ra đường kiếm sống trái với ý muốn của con thì đó được gọi là bóc lột sức lao động của con.
Bên cạnh đó theo điểm o khoản 1 Điều 3 Luật phòng chống bạo lực gia đình năm 2022 thì hành vi cha mẹ bóc lột sức lao động của con là hành vi bạo lực gia đình.
Như vậy hành vi cha mẹ bắt con đi bán vé số kiếm sống không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật mà còn là hành vi trái với đạo đức xã hội gây ảnh hưởng xấu đến tâm hồn, tuổi thơ của con.
Ngọc Tâm
Bài viết hữu ích: Tư vấn pháp luật trước khi kết hôn