
Người xưa có câu “thuyền theo lái, gái theo chồng”, theo quan niệm này thì sau khi gả chồng thì người phụ nữ phải theo chồng. Lợi dụng câu nói này mà nhiều người chồng bắt vợ phải phục tùng nhà chồng, thậm chí không cho vợ về nhà mẹ đẻ. Vậy có vi phạm pháp luật không?
Hành vi ngăn cấm, không cho vợ về nhà mẹ đẻ có được xem là vi phạm pháp luật hay không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 23 Hiến pháp năm 2013 thì:
“Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.”
Như vậy, quyền tự do đi lại là quyền cơ bản của mỗi công dân được Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam ghi nhận.
Do đó, việc vợ về nhà thăm cha mẹ đẻ là quyền của người vợ; người chồng không được quyền ngăn cấm vợ. Nếu chồng cấm đoán vợ không cho về nhà mẹ đẻ thì được làm vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, hành vi này cũng có thể được coi là hành vi bạo lực gia đình theo điểm e khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022, cụ thể:
“Điều 3. Hành vi bạo lực gia đình
- Hành vi bạo lực gia đình bao gồm:
- e) Ngăn cản thành viên gia đình gặp gỡ người thân, có quan hệ xã hội hợp pháp, lành mạnh hoặc hành vi khác nhằm cô lập, gây áp lực thường xuyên về tâm lý;
…”
Và theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 55 Nghị định 144/2021 hành vi ngăn cản không cho vợ gặp gỡ người thân nhằm cô lập, gây áp lực thường xuyên về tâm lý có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
Bài viết hữu ích: Dịch vụ tư vấn pháp luật trước hôn nhân