Vụ việc ly hôn được giải quyết bằng bản án của Tòa án khi có tranh chấp về quan hệ tình cảm, nuôi con, cấp dưỡng hoặc tranh chấp phân chia tài sản chung. Phán quyết của Tòa án có những ảnh hưởng nhất định đến quyền và nghĩa vụ của hai bên và các con khi ly hôn. Khi bạn không chấp nhận với phán quyết của Tòa trong bản án đó thì phải làm như thế nào? Cùng tìm hiểu các vấn đề xoay quanh trường hợp kháng cáo ly hôn.
Kháng cáo bản án ly hôn là gì?
Là trường hợp một trong hai bên vợ/chồng hoặc cả hai bên không đồng ý với bản án chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án cấp sơ thẩm và có đơn kháng cáo. Việc kháng cáo nhằm đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xem xét lại phần nội dung bản án mà các bên không đồng ý.
Ai có quyền kháng cáo bản án ly hôn?
Ly hôn có tranh chấp là một vụ án dân sự. Thủ tục kháng cáo được thực hiện theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự để giải quyết. Điều 271 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 quy định người có quyền kháng cáo bản án ly hôn gồm:
- Các đương sự: ở đây là vợ; chồng; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án ly hôn;
- Người đại diện hợp pháp của đương sự; cá nhân khởi kiện có quyền kháng cáo bản án ly hôn; quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án ly hôn.
Tuy nhiên ly hôn là vấn đề thuộc về nhân thân nên vợ; chồng không được ủy quyền cho người khác thực hiện thủ tục này. Thông thường nếu vợ; chồng bị mất năng lực hành vi dân sự thì người giám hộ sẽ đứng ra thay cho vợ; chồng bị mất năng lực hành vi dân sự thực hiện thủ tục kháng cáo bản án ly hôn.