Trong quá trình thừa kế di sản ngoài người thừa kế, người để lại di sản thì còn tồn tại một chủ thể gọi là người quản lý di sản. Vậy người quản lý di sản phải thực hiện các nghĩa vụ gì?
Nghĩa vụ người quản lý di sản thừa kế phải thực hiện?
Căn cứ theo quy định tại Điều 617 BLDS 2015 quy định nghĩa vụ của người quản lý di thành hai nhóm sau:
* Người quản lý quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 616 BLDS 2015:
– Lập danh mục di sản; thu hồi tài sản thuộc di sản của người chết mà người khác đang chiếm hữu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
– Bảo quản di sản; không được bán, trao đổi, tặng cho, cầm cố, thế chấp hoặc định đoạt tài sản bằng hình thức khác, nếu không được những người thừa kế đồng ý bằng văn bản;
– Thông báo về tình trạng di sản cho những người thừa kế;
– Bồi thường thiệt hại nếu vi phạm nghĩa vụ của mình mà gây thiệt hại;
– Giao lại di sản theo yêu cầu của người thừa kế.
* Người đang chiếm hữu, sử dụng, quản lý di sản quy định tại khoản 2 Điều 616 BLDS 2015:
Ngoài những nghĩa vụ giống với người quản lý ở Khoản 1, người đang chiếm hữu, sử dụng, quản lý di sản ở khoản 2 có nghĩa vụ giao lại di sản theo thỏa thuận trong hợp đồng với người để lại di sản hoặc theo yêu cầu của người thừa kế.
Người quản lý di sản thừa kế có được trả thù lao?
Căn cứ theo quy định tại điểm b Khoản 1 Điều 618 BLDS 2015, quy định như sau:
“b) Được hưởng thù lao theo thỏa thuận với những người thừa kế;”
Như vậy, người quản lý di sản thừa kế sẽ được trả thù lao trong trường hợp có thỏa thuận với những người thừa kế.