Như chúng ta đã biết, trong Phật giáo những người đủ duyên để xuất gia, trở thành những nhà sư, tu sĩ thì nguyện sống một đời sống không gia đình. Còn những người chưa đủ duyên để xuất gia mà tu học tại nhà (Phật tử tại gia) thì Phật giáo có cấm họ kết hôn hay không là câu hỏi được đặt ra.
Quyền có tình yêu, hôn nhân và gia đình
Giáo lý nhà Phật đặt nền tảng trên tình thương yêu con người. Ngài dạy con người phải thương yêu nhau, mang lại niềm vui, an lạc cho nhau. Xây dựng cuộc sống hôn nhân, gia đình là phải mang lại hạnh phúc, niềm vui cho nhau, chứ không phải mang lại nỗi đau.
Trong Kinh Đại Bảo Tích, Đức Phật đã dạy: “Nếu một người đàn ông có thể tìm được một người vợ, người phụ nữ thích hợp và hiểu biết; người phụ nữ có thể tìm được một người chồng, người đàn ông thích hợp và hiểu biết, cả hai thực sự may mắn”. Như thế, Đức Phật đã nêu rõ nền tảng của hạnh phúc gia đình là sự hiểu biết lẫn nhau và phù hợp với nhau. Nếu hai người không phù hợp với nhau mà phải chung sống với nhau thì rất khó có hạnh phúc. Tình yêu chân chính bao giờ cũng dẫn đến hôn nhân, tạo lập gia đình.
Khi đã có tình yêu thì người Phật tử tại gia có quyền tiến đến hôn nhân và lập gia đình. Giáo lý nhà Phật không can thiệp, ngăn cấm hay trói buộc gì giữa đôi trai, gái. Đạo Phật là đạo từ bi, hỷ xả, không cố chấp. Giáo lý đạo Phật không đòi hỏi phật tử của mình buộc người hôn phối phải từ bỏ đạo khác mới được kết hôn như một vài tôn giáo khác.
Như vậy, Phật tử tại gia được quyền kết hôn. Hôn nhân của họ phải tuân thủ các các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, các đạo lý con người và những quy định của giáo lý Phật giáo.
Bài viết hữu ích: Tư vấn pháp luật trước khi kết hôn