Người Thái có tục ở rể, đây là khoảng thời gian thử thách tình yêu của chàng trai với cô gái, vừa là thời gian trả công ơn sinh thành của chàng rể đối với gia đình vợ. Tuy nhiên trong thời đại mới, tập quán ở rể đã có nhiều thay đổi, cởi mở hơn, thậm chí có vùng không còn duy trì.
1. Tập tục tốt đẹp và nhân văn
Người Thái quan niệm rằng, cha mẹ và gia đình đã có công sinh thành, nuôi dạy cô gái trưởng thành, thì trước khi đón cô gái về nhà làm vợ, chàng rể phải trả công cho cha mẹ vợ bằng cách ở rể. Thời gian ở rể trong bao lâu là do sự thỏa thuận của hai bên gia đình, nhưng cũng nằm trong quy ước của từng vùng.
Ở rể được chia làm 2 phần: Ở rể thực và quy ra tiền. Số tiền cũng phù hợp với quy ước chung của vùng.
2. Thay đổi để phù hợp với cuộc sống mới
Ngày nay, người Thái đã vượt ra khỏi làng bản để đi học, lao động ở khắp mọi nơi, với nhiều ngành nghề mới, phương thức sản xuất mới. Đặc biệt, nhiều người làm công nhân ở các nhà máy, xí nghiệp với điều kiện thời gian khắt khe. Hơn nữa, sự giao lưu văn hóa giữa các vùng miền, dân tộc, trong đó có nhiều chàng rể là người dân tộc khác kết duyên với các cô gái Thái…
Trước những điều kiện mới, buộc tập quán ở rể cũng phải thay đổi cho phù hợp hơn. Ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa vẫn còn tục ở rể, nhưng thời gian ngắn và trả bằng tiền nhiều hơn.
Có thể nói, tục ở rể của người Thái là một tập tục tốt đẹp, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Song, sự chuyển biến trong tập tục này, không phải là đánh mất bản sắc văn hóa, mà thể hiện sự thích ứng linh hoạt, để phù hợp hơn với đời sống văn hóa mới.
Bài viết hữu ích: Thủ tục đăng ký kết hôn tại Việt Nam