
Thờ cúng là tín ngưỡng của nhiều người Việt Nam ta. Đối với những người không may mắn khi cha, mẹ không còn sống bên cạnh thì họ mong muốn được thờ cúng cha, mẹ của mình. Vậy, sau khi đã kết hôn thì vợ, chồng có được thờ cúng cha, mẹ đẻ của mình không?
Thờ cúng tổ tiên là tín ngưỡng dân gian Việt Nam
Thờ cúng tổ tiên là truyền thống có từ lâu đời, là nét đẹp văn hóa trong đời sống tâm linh của người phương Việt Nam ta. Từ lâu, con người tin rằng con người có linh hồn và thể xác, thể xác sẽ hóa thân vào vũ trụ nhưng linh hồn vẫn tồn tại nhớ về nơi ở cũ. Vì vậy, bổn phận con cháu phải luôn phụng sự, tưởng nhớ linh hồn, thể hiện lòng hiếu đạo của con cháu, để ông bà phù trợ cho con cháu cuộc sống yên ổn, khỏe mạnh, làm ăn phát đạt.
Thờ cúng cha, mẹ là quyền tự do tín ngưỡng của cá nhân
Theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 thì: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng…”. Tức là cá nhân người vợ và người chồng hoàn toàn có quyền tự do tín ngưỡng, thực hiện hoạt động có trong tín ngưỡng của mình, nhằm giữ gìn những nét đẹp truyền thống, giữ gìn và phát triển văn hóa. Nếu vợ, chồng có mong muốn thờ cúng cha, mẹ thì đều có thể được thực hiện.
Vợ chồng có nghĩa vụ tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của nhau
Theo quy định tại Điều 22 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, thì vợ, chồng có nghĩa vụ tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của nhau. Theo đó, không ai được xúc phạm tín ngưỡng của người kia, không được ngăn cấm người kia thực hiện các hoạt động tín ngưỡng của mình.
Như vậy, việc kết hôn không làm ảnh hưởng đến quyền thờ cúng cha, mẹ của cá nhân. Vợ, chồng đều có quyền tự do tín ngưỡng của mình và có nghĩa vụ tôn trọng tín ngưỡng của đối phương.
Bài viết hữu ích: Dịch vụ tư vấn pháp luật trước khi kết hôn