Ngoài thỏa thuận về đóng góp tiền bạc trong việc xây dựng gia đình ra thì hiện nay có nhiều người vợ giữ hết tiền lương của chồng. Vậy, đây có là hành vi trái pháp luật không?
Vợ giữ tiền lương của chồng, liệu có phạm pháp?
Điều 33 Luật HN&GĐ quy định, tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân.
Điều 17 luật này cũng quy định: “Vợ, chồng bình đẳng với nhau, có quyền, nghĩa vụ ngang nhau về mọi mặt trong gia đình, trong việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của công dân được quy định trong Hiến pháp, luật này và các luật khác có liên quan”.
Từ quy định trên cho thấy nếu không có thỏa thuận khác thì tiền lương của mỗi bên sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ, chồng. Do đó, vợ, chồng có quyền ngang nhau đối với tài sản chung, không ai được phép cấm cản sử dụng hay chiếm giữ riêng tài sản chung.
Trước đây, khoản 1 Điều 56 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi không cho thành viên gia đình sử dụng tài sản chung vào mục đích chính đáng. Trường hợp vợ giữ hết tiền lương của chồng, không cho chồng sử dụng tiền lương vào những mục đích chính đáng thì có thể bị xử lý vi phạm hành chính.
Tuy nhiên, kể từ ngày 1/1/2022, Nghị định 144/2021/NĐ-CP có hiệu lực, thay thế Nghị định số 167/2013/NĐ-CP. Song văn bản pháp luật này và các quy định hiện hành không có chế tài điều chỉnh đối với hành vi chiếm giữ tài sản chung vợ, chồng.