Thực tế, mang thai hộ vì mục đích nhân đạo đã mở ra cơ hội được làm cha, làm mẹ cho các cặp vợ chồng hiếm muộn, tuy nhiên việc mang thai hộ phải đáp ứng các quy định của pháp luật cả về tính tự nguyện, về chủ thể (cả người mang thai hộ và người nhờ mang thai hộ) và các biện pháp kỹ thuật y học.
Theo khoản 22 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014
“Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là việc một người phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, bằng việc lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó cấy vào tử cung của người phụ nữ tự nguyện mang thai để người này mang thai và sinh con”.
Dù đây là cơ hội lớn cho các cặp vợ chồng vô sinh nhưng để có thể thực hiện phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện kể cả cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ và người mang thai hộ.
Việc quy định này nhằm tránh các trường hợp lợi dụng việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo để trục lợi.
Việc xác định cha mẹ đối với trường hợp này được ghi nhận cụ thể tại Điều 94 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014:
“Con sinh ra trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là con chung của vợ chồng nhờ mang thai hộ kể từ thời điểm con được sinh ra”. Việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo không làm phát sinh mối quan hệ cha, mẹ, con giữa vợ chồng người được nhờ mang thai hộ với đứa trẻ được sinh ra.