Trường hợp sổ tiết kiệm chỉ đứng tên một người nhưng vợ hoặc chồng muốn rút tiền thì cần phải làm gì?
Theo khoản 1 Điều 7 Thông tư 48/2018/TT-NHNN, sổ tiết kiệm là chứng chỉ xác nhận quyền sở hữu tiền gửi tiết kiệm của người gửi hoặc nhiều người gửi tại ngân hàng, là giấy tờ chứng minh quyền sở hữu với tiền gửi (động sản).
Cần xem xét sổ tiết kiệm này là tài sản chung hay hay tài sản riêng theo các yếu tố:
- Thời điểm hình thành tài sản: Trong thời kỳ hôn nhân hay trước khi hai vợ chồng kết hôn.
- Quyền sở hữu: Thuộc sở hữu chung của vợ chồng hay là tài sản thuộc sở hữu của một mình chồng hoặc vợ.
- Nguồn gốc hình thành: Được tặng cho riêng, thừa kế riêng (tài sản riêng) hoặc được tặng cho chung, thừa kế chung (tài sản chung).
02 trường hợp vợ, chồng được rút tiền trong sổ tiết kiệm chỉ có tên 1 người. Cụ thể như sau:
1. Nếu sổ tiết kiệm là tài sản riêng của vợ, chồng thì người chồng, vợ chỉ được rút tiền nếu được vợ, chồng uỷ quyền rút tiền trong sổ tiết kiệm hoặc được rút tiền theo hình thức thừa kế (vợ/ chồng đã chết, để lại di chúc hoặc không để lại di chúc mà số tiền trong sổ tiết kiệm sẽ được chia theo pháp luật).
2. Sổ tiết kiệm là tài sản chung vợ chồng nhưng chỉ đứng tên một người thì người còn lại muốn rút phải chứng minh được đây là tài sản chung.
Tuy nhiên, dù chứng minh được thì người đó cũng chỉ được rút số tiền tương ứng với phần tài sản của mình trong khối tài sản chung vợ chồng. Nếu muốn rút cả thì cũng phải được người còn lại uỷ quyền hoặc cả hai vợ chồng cùng đến ngân hàng để làm thủ tục.