Theo truyền thống của người Việt Nam từ xưa đến nay, con cái thường mang họ bố. Vậy, con có được mang họ của mẹ hay không? Trường hợp nào con được mang họ mẹ.
Đặt tên theo họ của mẹ được không?
Điều 26 BLDS 2015 có quy định về quyền có họ, tên như sau:
- “1. Cá nhân có quyền có họ, tên (bao gồm cả chữ đệm, nếu có). Họ, tên của một người được xác định theo họ, tên khai sinh của người đó.
- 2. Họ của cá nhân được xác định là họ của cha đẻ hoặc họ của mẹ đẻ theo thỏa thuận của cha mẹ; nếu không có thỏa thuận thì họ của con được xác định theo tập quán. Trường hợp chưa xác định được cha đẻ thì họ của con được xác định theo họ của mẹ đẻ”.
Theo quy định của hướng dẫn Luật Hộ tịch thì có 02 trường hợp con khai sinh có thể mang họ mẹ.
Trường hợp 1: Do bố, mẹ thỏa thuận
Căn cứ khoản 1 Điều 4 của Nghị định 123/2015/NĐ-CP nêu trên quy định như sau: Họ, chữ đệm, tên và dân tộc của trẻ được xác định theo thỏa thuận của cha, mẹ; trường hợp cha, mẹ không có thỏa thuận hoặc không thỏa thuận được, thì xác định theo tập quán.
Như vậy, nếu bố mẹ có thỏa thuận, con có thể khai sinh theo họ của mẹ mà không bắt buộc phải theo họ của bố.
Trường hợp 2: Không xác định được bố
Theo khoản 2 Điều 15 Nghị định 123/2015/NĐ-CP chỉ rõ: Trường hợp chưa xác định được bố thì khi đăng ký khai sinh, họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của con được xác định theo họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của mẹ; phần ghi về bố trong Sổ hộ tịch và Giấy khai sinh của trẻ để trống.