Sau khi kết hôn, các cặp vợ chồng thường lên kế hoạch sinh con. Việc sinh con cần được thống nhất và quyết định bởi cả hai vợ chồng và phù hợp với quy định của pháp luật. Điều này thể hiện quyền bình đẳng giữa vợ và chồng trong việc thực hiện kế hoạch hóa gia đình.
Vợ chồng cùng quyết định việc sinh con
Hiện nay, nhiều người có xu hướng không muốn sinh con vì muốn tập trung cho sự nghiệp, được sống tự do thoải mái. Nhưng cũng có những người mong muốn sau khi kết hôn sẽ sinh con, yên bề gia thất, thậm chí là sinh nhiều con “cho vui cửa vui nhà”. Tuy nhiên, vấn đề này không thể chỉ một bên vợ hoặc chồng quyết định. Việc sinh con hay không, sinh bao nhiêu người con, khoảng cách về độ tuổi giữa những người con là bao nhiêu tuổi cần được cả vợ và chồng trao đổi và cùng đi đến quyết định cuối cùng. Trường hợp mang thai ngoài ý muốn thì có quyết định sinh con ra đời hay bỏ thai thì người vợ không nên tự ý quyết định và người chồng cũng không được ép buộc người vợ. Đây là những hành vi thực hiện quyền bình đẳng giữa vợ và chồng trong việc thực hiện kế hoạch hóa gia đình
Bình đẳng là quyền của vợ chồng
Theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, vợ chồng bình đẳng trong việc bàn bạc, quyết định lựa chọn và sử dụng biện pháp kế hoạch hóa gia đình phù hợp là nội dung bình đẳng giữa vợ và chồng trong quan hệ nhân thân.
Khi quy định về các nguyên tắc cơ bản nhằm bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình Việt Nam, pháp luật đã có quy định tại khoản 4 Điều 2 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014: Nhà nước, xã hội và gia đình có trách nhiệm bảo vệ, hỗ trợ trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật thực hiện các quyền về hôn nhân và gia đình; giúp đỡ các bà mẹ thực hiện tốt chức năng cao quý của người mẹ; thực hiện kế hoạch hóa gia đình.
Như vậy, vợ chồng có quyền ngang nhau trong việc thực hiện kế hoạch hóa gia đình, tạo cơ sở cho việc xây dựng gia đình hạnh phúc. Đặc biệt, pháp luật và xã hội còn quan tâm và đạo điều kiện cho người phụ nữ thực hiện kế hoạch hóa gia đình.
Bài viết hữu ích: Tư vấn pháp luật trước khi kết hôn