Khi bước vào cuộc sống hôn nhân thì cả vợ và chồng đều phải có nghĩa vụ yêu thương, tôn trọng và cùng nhau đóng góp xây dựng gia đình. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp người chồng ép vợ đóng góp tài chính quá khả năng của vợ. Vậy hành vi này có vi phạm không?
Nghĩa vụ đóng góp tài sản chung của vợ chồng
Căn cứ theo khoản 2 Điều 29 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về nguyên tắc chung về chế độ tài sản của vợ chồng như sau: vợ, chồng phải có nghĩa vụ bảo đảm điều kiện để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình.
Đồng thời, theo khoản 2 Điều 30 Luật này về quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng trong việc đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình. Theo đó, nếu trường hợp vợ chồng không có tài sản chung hoặc là tài sản chung không đủ để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình thì vợ, chồng phải có nghĩa vụ đóng góp tài sản riêng theo khả năng kinh tế của mỗi bên.
Từ những quy định trên có thể thấy vợ chồng có nghĩa vụ đóng góp tài sản để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình.
Chồng/vợ có vi phạm không khi bắt vợ đóng góp tài sản quá khả năng?
Căn cứ theo điểm o khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 về hành vi bạo lực gia đình:
“o) Cưỡng ép thành viên gia đình học tập, lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát tài sản, thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng lệ thuộc về mặt vật chất, tinh thần hoặc các mặt khác”.
Như vậy, hành vi cưỡng ép thanh viên trong gia đình đóng góp tài chính quá khả năng của họ nhằm tạo ra tình trạng lệ thuộc về mặt vật chất, tinh thần hoặc các mặt khác được coi là bạo lực gia đình.
Do đó, chồng hoặc vợ có hành vi cưỡng ép người còn lại đóng góp tài chính quá khả năng là vi phạm pháp luật và có thể bị xem là bạo lực gia đình. Và hành vi này có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Bài viết hữu ích: Tư vấn pháp luật trước khi kết hôn