1.Ly hôn là gì?
Theo định nghĩa tại khoản 14 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, ly hôn được định nghĩa như sau:
“Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án.”
Theo đó, khi hai vợ chồng hoặc thỏa thuận ly hôn hoặc một trong hai bên yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc, nếu nhận được bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật thì quan hệ hôn nhân hoàn toàn chấm dứt.
2. Thế nào là ly hôn giả tạo
Tuy nhiên, nếu mục đích ly hôn không phải do muốn chấm dứt quan hệ hôn nhân hoặc không phải do hôn nhân lâm vào “tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được” thì đây có thể xem là ly hôn giả tạo.
Ly hôn giả tạo được khoản 15 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 định nghĩa như sau: “Ly hôn giả tạo là việc lợi dụng ly hôn để trốn tránh nghĩa vụ tài sản, vi phạm chính sách, pháp luật về dân số hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích chấm dứt hôn nhân.”
Như vậy, nếu ai lợi dụng việc ly hôn mà không nhằm mục đích chấm dứt quan hệ hôn nhân vợ, chồng mà vì trốn tránh nghĩa vụ tài sản, vi phạm chính sách, pháp luật về dân sự hoặc để đạt mục đích khác thì đều bị xem là ly hôn giả tạo.
Tuy nhiên, thực tế sẽ rất khó khăn trong việc xác định việc ly hôn đó có phải giả tạo hay không. Bởi mặc dù có thể mục đích ly hôn là giả tạo nhưng khi có bản án, quyết định của Tòa về việc ly hôn đã có hiệu lực thì quan hệ hôn nhân giữa vợ, chồng cũng chấm dứt.