Một trong những biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ phổ biến hiện nay chính là thế chấp tài sản. Bài viết sau sẽ giúp bạn đọc hiểu hơn về vấn đề thế chấp tài sản riêng của vợ, chồng.
1. Về hợp đồng thế chấp
Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng được thực hiện theo quy định tại Điều 44 Luật HN&GĐ;
- Vợ, chồng có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng của mình; nhập hoặc không nhập tài sản riêng vào tài sản chung.
- Trong trường hợp vợ/chồng không thể tự mình quản lý tài sản riêng và cũng không ủy quyền cho người khác quản lý thì bên kia có quyền quản lý tài sản đó. Việc quản lý tài sản phải bảo đảm lợi ích của người có tài sản.
- Nghĩa vụ riêng về tài sản của mỗi người được thanh toán từ tài sản riêng của người đó.
- Trong trường hợp vợ, chồng có tài sản riêng mà hoa lợi, lợi tức từ tài sản riêng đó là nguồn sống duy nhất của gia đình thì việc định đoạt tài sản này phải có sự đồng ý của chồng/vợ
Theo quy định trên thì vợ/chồng có toàn quyền thực hiện các quyền sử dụng đối với tài sản riêng của mình mà không cần sự đồng ý của bên còn lại. Vì vậy, khi thế chấp tài sản là tài sản thuộc quyền sử dụng riêng của người vợ/chồng thì Ngân hàng chỉ ký với một mình người vợ/chồng với tư cách là bên thế chấp.
2. Về hợp đồng tín dụng
Ngân hàng có thể ký hợp đồng tín dụng với cả hai vợ chồng hoặc với một trong hai người, tùy thuộc vào việc Ngân hàng cho chủ thể nào vay vốn. Việc cho cả hai vợ chồng hay chỉ cho một trong hai vợ chồng vay vốn không phụ thuộc vào tài sản thế chấp là tài sản riêng hay tài sản chung của vợ chồng.