Theo quy định của pháp luật dân sự, khi một người bị tuyên là mất năng lực hành vi dân sự thì phải xác định người giám hộ của họ. Vậy, vợ mất năng lực hành vi dân sự thì chồng có là người giám hộ đương nhiên?
1. Giám hộ là gì?
Theo Điều 46 BLDS, giám hộ là việc cá nhân, pháp nhân được luật quy định, được UBND cấp xã cử, được Tòa án chỉ định hoặc được quy định tại khoản 2 Điều 48 của Bộ luật này, để thực hiện việc chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.
2. Giám hộ đương nhiên của vợ bị mất năng lực hành vi dân sự
Căn cứ Điều 53 BLDS về người giám hộ đương nhiên như sau:
“Trường hợp không có người giám hộ theo quy định tại khoản 2 Điều 48 của Bộ luật này thì người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự được xác định như sau:
- Trường hợp vợ là người mất năng lực hành vi dân sự thì chồng là người giám hộ; nếu chồng là người mất năng lực hành vi dân sự thì vợ là người giám hộ.
…”
Dẫn chiếu đến khoản 2 Điều 48 BLDS: “Trường hợp người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ lựa chọn người giám hộ cho mình thì khi họ ở tình trạng cần được giám hộ, cá nhân, pháp nhân được lựa chọn là người giám hộ nếu người này đồng ý. Việc lựa chọn người giám hộ phải được lập thành văn bản có công chứng hoặc chứng thực.”
Theo đó, người chồng được xác định là giám hộ đương nhiên chỉ trong trường hợp:
- Khi người vợ có năng lực hành vi dân sự đầy đủ không lựa chọn người giám hộ cho mình khi cần thiết;
- Người chồng đáp ứng điều kiện làm người giám hộ theo Điều 49 BLDS.
Như vậy, không phải khi vợ mất năng lực hành vi dân sự thì chồng sẽ đương nhiên làm người giám hộ.
Bài viết hữu ích: Thủ tục đăng ký kết hôn tại Việt Nam