Hiện nay, các cặp vợ chồng thường sử dụng căn nhà là tài sản riêng của vợ hoặc chồng. Vậy, khi sử dụng căn nhà này làm nơi ở thì có trở thành tài sản chung hay không?
Tài sản riêng đưa vào sử dụng chung có thành tài sản chung không?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 43 Luật HN&GĐ 2014 thì tài sản riêng của vợ, chồng gồm:
- Tài sản mà mỗi người có được trước khi kết hôn
- Tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân
- Tài sản được chia riêng cho vợ, chồng
- Tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.
Mặt khác, khoản 1 Điều 44 Luật này có quy định rõ:
“1. Vợ, chồng có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng của mình; nhập hoặc không nhập tài sản riêng vào tài sản chung”.
Căn nhà là tài sản riêng của vợ, do đó người vợ có hoàn toàn có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt căn nhà.
Tuy nhiên, Điều 31 Luật này có nói rõ, trong trường hợp nhà ở thuộc sở hữu riêng của vợ hoặc chồng thì chủ sở hữu có quyền xác lập, thực hiện, chấm dứt giao dịch liên quan đến tài sản đó nhưng phải đảm bảo chỗ ở cho vợ chồng.
Đồng thời, theo Điều 63 Luật này thì nhà ở thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng đã đưa vào sử dụng chung thì khi ly hôn vẫn thuộc sở hữu riêng của người đó.
Từ những quy định trên, có thể thấy dù căn nhà được đưa vào sử dụng chung nhưng không đồng nghĩa với việc căn nhà trở thành tài sản chung mà căn nhà này vẫn là tài sản riêng của vợ.