Khi cha mẹ đẻ già yếu vợ muốn về chăm sóc nhưng bị chồng cấm cản. Vậy pháp luật quy định về trường hợp này như thế nào?
Cấm vợ về quê chăm sóc bố mẹ vi phạm pháp luật không?
Căn cứ Điều 17 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về Bình đẳng về quyền, nghĩa vụ giữa vợ, chồng như sau: “Vợ, chồng bình đẳng với nhau, có quyền, nghĩa vụ ngang nhau về mọi mặt trong gia đình, trong việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của công dân được quy định trong Hiến pháp, Luật này và các luật khác có liên quan”.
Theo đó, vợ và chồng là bình đẳng với nhau, có quyền và nghĩa vụ ngang nhau về mọi mặt trong gia đình. Người chồng không có quyền ngăn cản các quyền tự do cơ bản của vợ mình. Do đó, hành vi không cho vợ con về quê ngoại chăm sóc bố mẹ có thể được xem là hành vi vi phạm pháp luật.
Xử phạt hành chính
Đồng thời căn cứ Điều 56 Nghị định 144/2021/NĐ-CP có quy định:
Hành vi ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau
Phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với hành vi ngăn cản quyền thăm nom, chăm sóc giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con, trừ trường hợp cha mẹ bị hạn chế quyền thăm nom con theo quyết định của tòa án; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau.
Vậy nếu chồng cấm vợ thăm nom, chăm sóc cha mẹ của mình thì được xem là hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị xử phạt hành chính từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.