Việc vợ hoặc chồng định đoạt tài sản chung của vợ chồng trước khi chết là hiện tượng tương đối phổ biến trước năm 2000 theo truyền thống văn hóa, trình độ hiểu biết pháp luật.
Di chúc của một người định đoạt cả tài sản chung vợ chồng có hợp pháp hay không?
- Theo điều 609 Bộ luật dân sự năm 2015: “Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật. Người thừa kế không là cá nhân có quyền hưởng di sản theo di chúc”;
- Theo điều 612 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định: “Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác”.
Từ các quy định trên thì người để lại di sản chỉ có thể định đoạt tài sản của chính mình mà thôi. Khi một người chết thì phần tài sản của họ được xác định trong khối tài sản chung.
Theo khoản 1 điều 213 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định:
“Sở hữu chung của vợ chồng là sở hữu chung hợp nhất có thể phân chia”.
Do vậy, di chúc của một người định đoạt cả tài sản chung vợ chồng có giá trị đối với phần tài sản của người đó trong khối tài sản chung của vợ chồng.
Để xác định di chúc của một người định đoạt cả tài sản chung vợ chồng có hợp pháp một phần hay không thì phải căn cứ các quy định khác để xác định di chúc hợp pháp tại thời điểm lập di chúc.