Người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh, nhiều trường hợp hi hữu người con ra đi trước cha mẹ. Vì ra đi đột ngột không để lại di chúc nên tài sản của con được chia cho hàng thừa kế thứ nhất đó là cha mẹ và vợ/chồng của người con. Tuy nhiên, nhiều cha mẹ không muốn nhận tài sản đó vì muốn để lại cho con dâu, con rể và cháu. Vậy cha mẹ có được quyền từ chối nhận tài sản thừa kế của con không?
Tài sản con để lại có được từ chối nhận không?
Tại Điều 620 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về từ chối nhận di sản như sau:
“1. Người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác.
2. Việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản và gửi đến người quản lý di sản, những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản để biết.
3. Việc từ chối nhận di sản phải được thể hiện trước thời điểm phân chia di sản”.
Theo quy định của pháp luật thì cha, mẹ có quyền được từ chối nhận thừa kế của con, trừ trường hợp việc từ chối của cha mẹ để nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác.
Tuy nhiên, khi muốn từ chối nhận tài sản thì cha, mẹ phải lập một văn bản gửi cho con dâu/con rể và cháu được biết. Đồng thời, việc lập văn bản từ chối nhận tài sản thừa kế cha, mẹ phải thực hiện trước thời điểm phân chia tài sản.