Khi mà quan hệ hôn nhân đã đến mức trầm trọng không thể kéo dài, vợ chồng có thể yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn. Một trong hai người sẽ có quyền trực tiếp nuôi con người còn lại sẽ không trực tiếp nuôi con, tuy nhiên người không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn thì vẫn có nghĩa vụ và quyền đối với con cái.
Căn cứ Điều 82 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 quy định về nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau ly hôn, cụ thể như sau:
Nghĩa vụ của người không trực tiếp nuôi con
“Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.
Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con”
Từ quy định nêu trên có thể thấy được, dù không giành được quyền nuôi con nhưng người không trực tiếp nuôi con vẫn có nghĩa vụ phải cấp dưỡng cho con cho đến khi con thành niên, có khả năng lao động hoặc có tài sản để tự nuôi mình; và phải có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con khi con sống với người còn lại.
Quyền của người không trực tiếp nuôi con
“Sau ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền thăm nom con mà không ai được cản trở”
Dù không trực tiếp nuôi con nhưng cha/mẹ vẫn có quyền được thăm nom con mà không một ai có quyền ngăn cản việc này. Nhưng sau ly hôn nếu cha và mẹ có căn cứ cho rằng bên không trực tiếp nuôi con có các dấu hiệu lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con được quy định tại Điều 85 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 thì bên trực tiếp nuôi con vì quyền lợi của con có quyền làm đơn đến Tòa án yêu cầu hạn chế quyền thăm nom của bên không trực tiếp nuôi con.